Lịch sử Trần_Đề

Nguồn gốc tên gọi

Trước khi chính quyền Chúa Nguyễn chính thức tiếp quản vùng đất này, năm 1739, từ Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ khai thác tiến về phía sông Hậu, lập thêm bốn đạo, đặt tên là Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Giang và Trấn Di. Trong đó, Trấn Di thuộc đất Bassac, nguyên chữ Hán là 鎮夷. Do các sách in thời Nguyễn sắp chữ in nhầm thành 塡荑, vừa đọc là trấn di vừa đọc là trần đề (cùng mặt chữ nhưng 2 cách đọc khác nhau). Khi người Pháp đến Việt Nam ghi âm theo cách đọc của mình, trại ra thành Tranh Đề hay Trần Đề.[2]

Giai đoạn 1953-1975

Việt Nam Cộng hòa

Năm 1953, quận Lịch Hội Thượng được thành lập do tách đất từ quận Long Phú, trở thành một trong 5 quận của tỉnh Sóc Trăng (gồm Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Lịch Hội Thượng và Thạnh Trị). Sau năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt quận Lịch Hội Thượng thuộc tỉnh Ba Xuyên. Năm 1957, quận Lịch Hội Thượng có 8 xã, quận lỵ đặt tại xã Lịch Hội Thượng, gồm 2 tổng: Định Chí, Định Phước.

Ngày 13 tháng 1 năm 1958, quận Lịch Hội Thượng bị bãi bỏ, các xã được chia về các quận khác của tỉnh Ba Xuyên. Ngày 11 tháng 12 năm 1965, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập quận Lịch Hội Thượng thuộc tỉnh Ba Xuyên.

Chính quyền Cách mạng

Sau năm 1956, chính quyền Cách mạng vẫn đặt huyện Long Phú thuộc tỉnh Sóc Trăng. Tháng 8 năm 1966, chính quyền Cách mạng chia huyện Long Phú thành hai huyện: Long Phú và Lịch Hội Thượng cùng thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã giải thể huyện Lịch Hội Thượng, sáp nhập trở lại vào huyện Long Phú và huyện Mỹ Xuyên cùng thuộc tỉnh Sóc Trăng. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).

Từ năm 1976 đến nay

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơthành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang. Lúc này, huyện Long Phú và huyện Mỹ Xuyên cùng thuộc tỉnh Hậu Giang.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Huyện Long Phú và huyện Mỹ Xuyên cùng thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đến ngày nay.

Trước năm 2009, vùng đất của huyện Trần Đề ngày nay là một phần của các huyện Long Phú và Mỹ Xuyên.

Ngày 23 tháng 12 năm 2009, Chính phủ Việt Nam điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú và huyện Mỹ Xuyên để thành lập huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng như sau:[1]

  • Thành lập thị trấn Lịch Hội Thượng thuộc huyện Long Phú trên cơ sở điều chỉnh 2.078,80 ha diện tích tự nhiên và 13.231 nhân khẩu của xã Lịch Hội Thượng. Thị trấn Lịch Hội Thượng có 2.078,80 ha diện tích tự nhiên và 13.231 nhân khẩu.
  • Thành lập thị trấn Trần Đề thuộc huyện Long Phú trên cơ sở điều chỉnh 1.163,03 ha diện tích tự nhiên và 11.915 nhân khẩu của xã Trung Bình; 719,60 ha diện tích tự nhiên và 2.220 nhân khẩu của xã Đại Ân 2. Thị trấn Trần Đề có 1.882,63 ha diện tích tự nhiên và 14.135 nhân khẩu.
  • Thành lập huyện Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng trên cơ sở điều chỉnh 18.978,39 ha diện tích tự nhiên và 75.046 nhân khẩu của huyện Long Phú; 18.897,59 ha diện tích tự nhiên và 55.031 nhân khẩu của huyện Mỹ Xuyên.

Huyện Trần Đề có 37.875,98 ha diện tích tự nhiên và 130.077 nhân khẩu; có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Đại Ân 2, Liêu Tú, Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận, Tài Văn, Viên An, Viên Bình và các thị trấn: Lịch Hội Thượng, Trần Đề.